Hoàng hậu nhà Đường Vương_hoàng_hậu_(Đường_Huyền_Tông)

Năm Diên Hòa nguyên niên (712), Đường Duệ Tông xuống chiếu nhường ngôi, Thái tử thụ thiện đăng cơ, tức Đường Huyền Tông, cải nguyên Tiên Thiên. Ngày 20 tháng 8 cùng năm, Huyền Tông ra chỉ sách lập Thái tử phi Vương thị làm Hoàng hậu[4][5]. Do là ngoại thích, cha của Vương Hoàng hậu là Vương Nhân Hiệu được phong làm Đắc tiến (特进), kèm tước hàm "Khai phủ nghi đồng tam tư" (開府儀同三司) cùng Thượng trụ quốc (上柱國), tước vị Kỳ Quốc công (祁國公). Trong đời Khai Nguyên, chỉ có Nhân Hiệu cùng Diêu Sùng, Tống Cảnh (宋璟) và Vương Thủ Trùng (王毛仲) có được cái tước vinh hàm Khai phủ nghi đồng tam tư[6].

Là ngoại thích, Vương Nhân Hiệu bị xa lánh không cho nhậm chức cao, nhưng lại sinh hoạt xa xỉ có tiếng. Năm đầu Khai Nguyên, anh rể của Vương Hoàng hậu là Trưởng Tôn Hân (长孙昕) có tranh chấp với Ngự sử đại phu Lý Kiệt (李杰), nên cậy vào thân phận hoàng thân quốc thích đã cùng với đồng minh là Dương Tiên Ngọc (杨仙玉) đánh đập Lý Kiệt đến trọng thương. Lý Kiệt dâng biểu tố cáo lên Huyền Tông. Và nhà vua, trong cơn tức giận, liền cho xử tử Trưởng Tôn Hân cùng Dương Tiên Ngọc. Căn cứ Thái Bình quảng ký (太平廣記) ghi lại, Vương Nhân Hiệu đã cho đám người 200 kỵ binh bắt cóc Trưởng Tôn Hân cùng Dương Tiên Ngọc trước khi hành hình.

Năm Khai Nguyên thứ 7 (719), cha của Vương Hoàng hậu là Vương Nhân Hiệu qua đời. Khi đó anh trai Vương Hoàng hậu là Vương Thủ Nhất (王守一) - người đã thế tập tước Kỳ Quốc công và đã kết hôn với Tiết Quốc công chúa, tức chị của Huyền Tông - đề nghị xây dựng mộ phần Vương Nhân Hiệu theo quy mô ngôi mộ của Đậu Hiếu Kham, ngoại tổ phụ của Huyền Tông. Ban đầu Huyền Tông đồng ý, nhưng sau đó các tể tướng Tống Cảnh và Tô Đĩnh phản đối vì cớ mộ của Đậu Hiếu Kham quá tốn kém và không nên làm thêm một ngôi mộ như thế nữa. Huyền Tông đồng ý với các Tể tướng và hạ lệnh chôn cất Vương Nhân Hiệu theo lễ quan nhất phẩm.

Càng về sau Vương Hoàng hậu ngày càng già đi, nhan sắc ngày càng suy kém, không còn được sự sủng ái của Đường Huyền Tông nữa. Bấy giờ đắc sủng là Võ Huệ phi, con gái của Võ Du Chỉ, một người cháu trong họ của Võ Tắc Thiên. Võ Huệ phi hạ sinh được 7 người con trong khi Vương Hoàng hậu không con. Võ Huệ phi có ý ganh ghét, mưu đồ chiếm ngôi Hoàng hậu, khiến Vương Hoàng hậu rất bất bình và tức giận, nhiều lần tố cáo trước mặt Đường Huyền Tông. Tuy nhiên Đường Huyền Tông lại đồng ý với Võ Huệ phi, nghe những lời của bà thì càng chán ghét hơn và cũng muốn phế Vương Hoàng hậu.

Năm Khai Nguyên thứ 10 (722), Đường Huyền Tông cùng đại thần Khương Kiểu (姜晈) bàn kế hoạch phế hậu với lý do Hoàng hậu vô tử, tuy nhiên Khương Kiểu lại tiết lộ việc này tới tai Vương Hoàng hậu. Trương Gia Trinh (張嘉貞), người nắm tướng vị khi đó, là người thân thiết với Vương Thủ Nhất cùng với Đằng vương Lý Kiểu (李峤) - em rể của Vương Hoàng hậu - đều dâng thư hỏi lý do lên Đường Huyền Tông. Thế là Hoàng đế sinh bực bội với Khương Kiểu, bèn cho đánh Khương Kiểu 60 trượng, rồi đày ông ta cùng người anh là Khương Hối ra Khâm Châu[7].